Kinh nghiệm lái xe trong điều kiện xấu
Khi trời nhiều sương
Tuỳ độ dày, sương mù có thể làm giảm tầm nhìn xuống còn 0,5km hoặc thấp hơn, trong khi 90% phản ứng của người lái xe phụ thuộc vào tầm nhìn. Do đó, nếu không thật cần thiết, hãy lùi thời điểm khởi hành đến khi hết sương mù dày đặc - thường là đến buổi trưa hoặc chiều. Trong trường hợp bắt buộc, hoặc lỡ phải di chuyển trong điều kiện sương mù dày đặc, nhớ bật đèn xe, nhưng không bật đèn pha, vì đèn pha sẽ chỉ làm phản chiếu sương mạnh hơn, gây ảnh hưởng xấu thêm đến tầm nhìn. Ngoài ra, hãy dùng cần gạt nước để cải thiện tầm nhìn.
Hãy giảm tốc độ và kiểm soát đồng hồ đo tốc độ. Trời nhiều sương có thể tạo cảm giác bạn đang đi chậm trong khi thực tế là bạn đang tăng tốc.
Khi trời mưa
Khi trời mưa, xe bị trượt hoặc bánh xe bị chêm nước là một trong những vấn đề đe doạ an toàn lớn nhất. Hãy quan sát kỹ đường phía trước bạn, đặc biệt là những nơi tụ nước. Nếu bạn không thể tránh được những chỗ này thì phải từ từ giảm tốc độ trước. Khi trời mưa, hãy lái xe chậm và cẩn thận, nhất là nếu bạn đang lái xe ở một cung đường không quen thuộc, bạn có thể quan sát đi theo xe phía trước.
Khi có những chỗ vòng, hãy đưa bánh lái nhẹ nhàng với tốc độ chậm hơn, để lốp xe của bạn có thể vượt qua chỗ tụ nước an toàn (nếu có).
Khi phanh, đừng phanh gấp hay khoá bánh vì có thể sẽ bị trượt. Giữ một áp lực nhẹ nhàng cho bánh phanh.
Trong trường hợp xe bị trượt, hãy nhẹ nhàng nhả ga ra, và cẩn thận đư bánh lái theo hướng bạn muốn đưa đầu xe vào, cho đến khi đầu xe di chuyển thẳng tắp. Với những xe không có tính năng tự động khoá phanh thì cần tránh sử dụng phanh. Nếu xe bạn có ABS, phanh thật chắc chắn khi bạn đi qua chỗ trượt.
Tránh bị chêm nước bằng cách bơm lốp xe đúng cách. Luôn giữ cho lốp xe của bạn trong tình trạng tốt. Đừng trì hoãn việc thay lốp.
Nếu xe bạn bị chêm nước, đừng phanh gấp hay rẽ đột ngột, vì như vậy sẽ khiến xe bạn bị trượt. Hãy nhả nhẹ chân ga cho đến khi xe đi chậm lại và bạn có thể cảm giác được đường đi. Với những xe không hệ thống tự động khoá phanh, hãy nhấn phanh nhẹ nhàng và từ từ; còn nếu xe bạn có ABS, hãy phanh như bình thường.
Lái xe vào buổi đêm
Tỷ lệ tai nạn giao thông vào ban đêm cao gấp 3 lần so với ban ngày. Tuy nhiên, nhiều lái xe không ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng này, hoặc không biết những cách thức hữu hiệu để đảm bảo an toàn.
Cũng như khi trời mưa hay sương mù, buổi đêm tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều, ảnh hưởng đến nhận thức, nhận diện màu sắc và cảm nhận không gian của tài xế.
Để cải thiện tầm nhìn, hãy tạo thói quen giữ cho đèn pha phía trước, phía sau và đèn tín hiệu của xe thật sạch sẽ, đơn giản bằng cách lau chùi thường xuyên. Ngoài ra, hãy chỉnh đèn pha phù hợp để tránh việc làm loá mắt những lái xe khác và giảm khả năng quan sát của họ. Khi nào thấy nghi ngờ, hãy bật đèn pha phía trước lên - để xe khác nhận ra bạn cũng quan trọng như việc bạn nhìn rõ được xe khác.
Khi lái đằng sau phương tiện khác, chỉnh yếu đèn pha xe bạn lại để không làm loá mắt xe phía trước. Tránh tia loá từ đèn pha của những xe đang đi đến bằng cách dùng lề đường bên phải để giữ làn đường.
Khi đi chặng đường dài, nên nghỉ ngơi nhiều lần để ăn và tập thể dục nhẹ. Nếu bạn quá mệt, hãy dừng lại và nghỉ ngơi - nếu điều kiện không cho phép nghỉ lâu thì chỉ cần 15-30 phút chợp mắt cũng đủ giúp bạn lấy lại sức để tiếp tục hành trình.
Hãy thực hiện những biện pháp lái xe an toàn cho trời tối ngay khi mặt trời bắt đầu lặn. Chạng vạng là một trong những khoảng thời gian lái xe khó khăn nhất, vì mắt bạn sẽ phải điều tiết liên tục để làm quen với sự thay đổi ánh sáng.
Ngoài những lưu ý riêng nói trên, có một số lưu ý chung, như đảm bảo rằng bạn và xe được trang bị đầu đủ trước khi lên đường. Đặc biệt, nhớ kiểm tra phanh và lốp xe của bạn trước khi khởi hành. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị một số vật dụng, đồ dùng có thể hữu ích trong trường hợp khẩn cấp, như đèn pin (đầy pin), túi cứu thương, quần áo ấm, chăn, kính râm và điện thoại di động.
Khi lái xe, hãy kiên nhẫn, đi chậm và lái xe từ từ; đừng lấn làn hoặc vượt đèn giao thông; tránh tăng tốc, phanh và rẽ đột ngột vì như vậy có thể làm cho xe bạn mất đà, trượt không kiểm soát được, dễ bị va chạm.
Việc lái xe chậm rãi và tăng khoảng cách với xe trước cũng cho phép bạn có thể phản ứng kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
Xem thêm: Kinh nghiệm lái xe khi trời mưa bão
Chúc các bạn lái xe an toàn!
Nhật Minh